Ngày nay, việc chụp ảnh đã trở nên thuận tiện hơn bao giờ hết. Bất cứ ai cũng có thể chụp được, ở mọi lúc, mọi nơi, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh hay với những chiếc máy ảnh du lịch gọn nhẹ. Tuy nhiên, để chụp được một bức ảnh đẹp, thỏa mãn đúng mong muốn của tác giả thì không phải đơn thuần là cứ cầm thiết bị lên và chụp.

Một số người bạn của Mẹo Nhiếp Ảnh rất thích chụp ảnh nên đã đầu tư mua máy ảnh số DSLR. Tuy nhiên, nhiều người phàn nàn rằng ảnh chụp ra không đẹp, cái thì tối, cái thì cháy….Cũng có vài bức ánh sáng tạm ổn, nhưng lại mắc lỗi về bố cục… Và điều đầu tiên họ nghĩ tới để “cải thiện” tình hình là xếp máy cũ vào tủ, đi mua máy mới xịn hơn. Nhưng rồi vài tháng sau, tình hình vẫn không khá hơn.

Khi xem bức ảnh dưới đây – một trong những bức ảnh đầu tiên khi mới làm nghề hay chơi ảnh Phong cảnh, một số người khẳng định rằng người chụp đã dùng Canon 5D Mark III hay Nikon D800, nhưng thực tế Mẹo Nhiếp Ảnh chỉ sử dụng thân máy 40D  (Canon 40D là một máy ảnh được sản xuất từ khá lâu, khá rẻ trên thị trường, mua cũ chỉ vào khoảng 5,5 triệu tùy hình thức có thể rẻ hơn nữa.). Vì vậy một điều làm nên bức ảnh đẹp là cách bạn làm chủ thiết bị của mình.

 

Ảnh chụp bằng Canon 40D + kit lens 18-55mm.

Thông tin về file thô( RAW)

Mục tiêu của bài viết này không nhằm nói về một kiến thức cụ thể nào, mà sẽ giới thiệu tổng quan những gì bạn cần đi qua khi bắt đầu tham gia vào thế giới nhiếp ảnh. Vì vậy chúng ta hãy xem checklist dưới đây và bắt đầu thực hiện lần lượt các bước trong đó.


1. Mua một chiếc máy ảnh

Đương nhiên đây là thiết bị không thể thiếu, tuy nhiên đừng tiêu tốn quá nhiều vào một chiếc máy ảnh đắt tiền hay những thiết bị liên quan.

Bạn có thể thực hành chụp ảnh với ngay cả một chiếc máy ảnh giản đơn nhất, nhưng những vấn đề mà Mẹo Nhiếp Ảnh sẽ nói tới ở loạt bài này sẽ dành cho những người muốn học sử dụng máy ảnh DSLR, hay máy ảnh không gương lật (Mirrorless), hoặc ít nhất là một chiếc máy ảnh mà cho phép người nhiếp ảnh gia có thể điều chỉnh tốc độ chụp (shutter speed), khẩu độ (aperture), và độ nhạy sáng (ISO). Giờ đây, ngay cả một chiếc máy ảnh du lịch (compact cameras – Point and shoot) cũng có những chức năng này.

Nhiều người bị rối vào mớ bòng bong không biết nên chọn mua máy ảnh nào giữa vô vàn các thương hiệu và những con số phức tạp. Ở bài viết Mẹo Nhiếp Ảnh cũng đã giúp các bạn chọn thân máy và ống kính phù hợp với túi tiền của mình, bạn có thể xem lại ” Tại đây”


2. Hiểu về ánh sáng và bố cục

Không có một quy chuẩn nào về một “bức ảnh đẹp” cả, tuy nhiên bức ảnh của có thể thỏa mãn người xem thông qua sự kết hợp giữa ánh sáng, bố cục và khoảnh khắc của nó.

Ảnh Gialai Traveler (ISO 100, 1/1600 sec.F2.8, 93mm)

Đối với ánh sáng, bạn cần hiểu về ánh sáng thay đổi trong ngày ra sao, màu sắc cường độ thế nào, giờ nào (ví dụ sáng sớm) chụp với mùa nào là đẹp nhất, khi nào nên tránh chụp ngoài trời (ví dụ buổi trưa nắng gắt), chọn hướng ánh sáng thế nào là đẹp nhất…..

Ảnh chụp ngược sáng.

Còn về bố cục, đây là yếu tố phụ thuộc nhiều vào sự sáng tạo của bạn.

Bố cục là sự lựa chọn vị trí của chủ thế đối với môi trường xung quanh và đối với cả ống kính của bạn nữa (góc chụp). Những bài viết sau, chúng ta sẽ được tìm hiểu thêm về các yếu tố của một bố cục tốt và một số nguyên tắc về bố cục như bố cục 1/3, bố cục đối xứng, bố cục đường thẳng, tam giác..…

Bố cục 1/3

Đây là những điều căn bản, bạn cần phải hiểu và thực hành nhuần nhuyễn trước khi có thể tự phá luật.

Tuy nhiên, trước mắt để sáng tạo mà không cứng nhắc khi áp dụng những nguyên tắc đó, hãy thường xuyên ghé thăm các trang web nhiếp ảnh để học hỏi những người trong nghề; và tạo thói quen phân tích ánh sáng, bố cục của những bức ảnh khiến bạn hứng thú, hoặc chỉ đơn thuần là xem thôi. Khi làm như vậy thường xuyên, mưa dầm thấm lâu, bạn sẽ dần biết thế nào là “đẹp”, và có thể tạo ra những khung hình thú vị, thậm chí là không cần sử dụng quá nhiều kỹ thuật. 1x.com hay pinterest.com


3. Làm chủ thiết bị chụp của bạn

Như Mẹo Nhiếp Ảnh đã nói ở trên, khi nắm được các đặc tính của ánh sáng, việc làm chủ các thiết bị sẽ giúp nhiếp ảnh gia bắt máy ảnh phải hoạt động theo ý mình thay vì để máy tự động hoàn toàn. Chính vì vậy, bạn trước tiên hãy tìm hiểu về máy ảnh của mình, hiểu về nguyên lí hoạt cùng một số chức năng và chế độ đủ dùng. Khi đó bạn sẽ tự mình làm chủ máy ảnh và những tác động từ môi trường bên ngoài (cụ thể là ánh sáng hay trạng thái di chuyển của chủ thể chụp) thay vì sử dụng chế độ auto và để máy làm hết phần việc của mình. Dưới đây là 3 bức ảnh với các chế độ chụp khác nhau của máy DSLR:

  • Chế độ chụp ưu tiên khẩu độ (A với Nikon, Av với Canon): chế độ này có thể giúp bạn điều khiển độ sâu trường ảnh của bức ảnh và làm nổi bật chủ thể chụp hơn.

Ảnh chụp bằng chế độ Av
  •  Chế độ chụp ưu tiên tốc độ màn trập (S với Nikon, Tv với Canon): với chế độ này bạn có thể chụp “đông cứng” một vật đang chuyển động hoặc tạo hiệu ứng mờ nhòe, phơi sáng để tạo nên những bức ảnh ấn tượng dưới đây:

Ảnh Ivan Ramirez in Ensenada (chụp bằng chế độ Tv – Tốc độ cao)

Ảnh chụp bằng chế độ Tv – Tốc độ chậm
  • Chế độ Thủ công, chỉnh tay (Manual-M): Với 2 chế độ trên máy vẫn giúp bạn một phần việc, nhưng với chế độ này bạn hoàn toàn tự điều chỉnh các thông số để chụp được bức ảnh phù hợp với điều kiện môi trường nhất. Hãy xem ví dụ bức ảnh được chụp vào lúc sau mặt trời lặn dưới đây, khi mà ánh sáng mặt trời gần như đã hết.

Ảnh chụp chế độ M

Nghe có vẻ nhiều và phức tạp nhưng chúng ta sẽ đi dần dần thôi. Những bài viết sau sẽ trình bày chi tiết những vấn đề đã nêu trên. Phần 1 xin dừng lại tại đây, hãy like Fanpage của Mẹo Nhiếp Ảnh để đón đọc những bài viết chia sẻ kiến thức hay hơn nữa nhé. Chúc các bạn một ngày vui.